Những ngày qua, hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 đội mưa, đứng cúi chào khách hàng đến đổ xăng khiến dư luận xôn xao. Xôn xao là bởi nó trái ngược với phần lớn tư duy giám đốc mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu.
Chuyện không phải lạ với người Nhật nhưng rõ ràng đã gây chú ý đối với người Việt Nam, tuy nhiều người biết, đơn giản, người người Nhật coi việc cúi chào như một văn hóa giao tiếp bình thường.
Hành vi cúi chào của con người được cho là xuất phát từ tập quán của người bộ lạc xưa. Khi cúi đầu, họ chìa đầu mình, tức là điểm yếu của mình ra trước người đối diện.
Về sau này, cái cúi chào mang theo ý nghĩa về địa vị xã hội và sự tôn trọng. Người địa vị càng cao sẽ nhận được cái cúi chào lâu và thấp hơn. Người địa vị thấp hơn có thể chỉ nhận được một cái cúi chào không trang trọng, hơi gật đầu nhẹ. Cúi chào ở Nhật có thể dùng để chào hỏi, xin lỗi, hay nói cảm ơn.
Nhân viên cây xăng Nhật cúi chào khách. Ảnh:TL
Ghi nhận của chúng tôi, bất chấp trời mưa, cây xăng Ghi Idemitsu Q8 nằm trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội rất đông khách. Tấm bảng giá điện tử đã được DN đặt ngay từ ngoài đường vào trạm xăng dầu. Xăng A92 tại đây được bán với giá 17.990 đồng/lít, A95 giá 18.690 đồng/lít (rẻ hơn 200 đồng/lít so với giá phổ biến), xăng E5 giá 17.730 đồng/lít.
Ngoài việc khi khách hàng đến mua xăng, nhân viên đứng ngoài cúi chào và hướng dẫn khách, những khách đi ô tô sẽ được các nhân viên lau qua kính phía ngoài của xe.
Chị Phạm Thùy Linh, nhân viên trạm xăng IQ8 cho biết để được tuyển vào làm việc tại cây xăng này, những nhân viên như chị phải trải qua 1,5 tháng đào tạo trong môi trường bài bản, chuyên nghiệp.
“Điểm khác biệt lớn nhất giữa cây xăng Việt Nam và cây xăng Nhật Bản là cách phục vụ của nhân viên với khách hàng. Đó là phải phục vụ khách hàng tận tình, khiến cho khách hàng hài lòng. Ví dụ, khi khách hàng không mở nắp được bình xăng thì chúng em sẽ mở hộ cho khách” - chị Linh chia sẻ.
Chị Nguyễn Kim Thoa, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ lần đầu đến đây đổ xăng, chị khá bất ngờ khi có nhân viên chào đón khiến chị cảm thấy rất vui.
“Giá xăng ở đây không chênh nhiều so với các địa điểm khác nhưng đổi lại nhận được thái độ phục vụ chu đáo. Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều người đến đây mua xăng đều vui và cảm thấy thú vị. Các cây xăng Việt làm được điều này mới là điều tuyệt vời hơn”, chị Thoa chia sẻ.
Cùng chung ý kiến với chị Thoa, nhiều khách hàng bày tỏ sự hài lòng với sự phục vụ tận tình của những nhân viên đồng thời hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn nữa. Một người dùng chia sẻ: “Thương hiệu chỉ là chuyện nhỏ một khi anh bỏ qua thái độ, đạo đức kinh doanh, sự tử tế là anh thua”.
“Chất lượng nhiên liệu của cây xăng người Nhật không khác gì so với xăng trong nước. Giá chỉ thấp hơn cây xăng của ta có 200 đồng/lít, không đáng kể. Điều họ đang nắm lợi thế là uy tín trong buôn bán và thái độ phục vụ có phỏng?”, một khách hàng khác chia sẻ.
Nếu tới đây Idemitsu Q8 có mở rộng trạm xăng trên phạm vi toàn quốc hay có thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực bán lẻ xăng dầu thì cũng sẽ không có sự thay đổi nhiều về giá như kỳ vọng giá xăng giảm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một sự thay đổi rõ rệt, là là thái độ, cung cách phục vụ của doanh nghiệp với khách hàng và những cam kết minh bạch trong kinh doanh như Idemitsu Q8 đã nói: Độ chính xác lên đến 0,01 lít.
Sự có mặt của cây xăng Nhật sẽ là sự khởi đầu thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực này. Khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, và chắc chắn, người sẽ chọn trạm xăng mà mình được phục vụ tốt hơn và tin tưởng.
H.Phương - theo baomoi